11/07/2019
Lượt xem: 716
Ứng dụng các thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào ngành thủy sản
Nhằm giới thiệu một số tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN),
thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể ứng dụng trong sản xuất thủy sản
tại Việt Nam; triển lãm các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sản
phẩm KH&CN, thiết bị công nghệ và mẫu vật liên quan đến khai thác, nuôi trồng,
chế biến, quản trị chuỗi ngành hàng. Ngày 09/7/2019, tại thành phố Cần Thơ, Tổng
cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần
Thơ tổ chức Diễn đàn KH&CN “Ứng dụng các thành tựu Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư vào ngành thủy sản”.
Ngành thủy sản
nước ta đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường, dịch bệnh, suy thoái giống,
yêu cầu kỹ thuật, thị trường do đó việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong quản
lý sản xuất, chế biến, quản trị chuỗi ngành hàng đóng vai trò rất quan trọng. Để
tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo bền vững,
phát triển hội nhập kinh tế quốc tế và theo kịp xu hướng phát triển của thế giới
thì việc tổ chức Diễn đàn KH&CN “Ứng dụng các thành tựu Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư vào ngành thủy sản” là rất cần thiết.
Diễn đàn có sự
tham dự và chủ trì của ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ
Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) và ông Phạm Trường
Yên - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ.
Đồng thời, có sự tham dự của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ngành thủy sản phát
triển; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh giống, nuôi thương phẩm,
thức ăn và chế phẩm sinh học, khai thác thủy sản, chế biến, thương mại thủy
sản; các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao KH&CN.
Tại Diễn đàn, đại diện của các tổ
chức, doanh nghiệp đã giới thiệu một số tiến bộ KH&CN, thành tựu của cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể ứng dụng vào ngành thủy sản như: Ứng dụng
công nghệ 4.0 để tăng hiệu quả chuỗi giá trị tôm Việt Nam (Tổ chức Hợp tác quốc
tế Đức - GIZ); Chuyển đổi số để nâng cao vị thế và giá trị ngành tôm nước lợ
Việt Nam (Công ty Cổ phần FPT); Quản lý truy xuất chuỗi cung ứng tôm toàn cầu
với công nghệ 4.0 (Công ty TE-Food); Hệ thống quản trị và truy xuất điện tử từ
ao nuôi đến nhà máy chế biến thủy sản (Công ty Cổ phần Viễn thông TBNET); Ứng
dụng công nghệ 4.0 trong truy xuất nguồn gốc thủy sản Việt Nam (Công ty Icheck);
Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành thủy sản bền vững (Tập đoàn Thủy sản
Việt - Úc); Nông nghiệp thông minh với khí hậu (Công ty Rynan); Ứng dụng IoT
trong nuôi tuần hoàn tôm thẻ chân trắng (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN
TP. Hồ Chí Minh); Hệ thống giám sát chất lượng nước trực tuyến ao nuôi trồng
thủy sản nhằm tiết kiệm năng lượng và chi phí nhân sự (Công ty TC group); Hệ
thống giám sát thủy văn và chất lượng môi trường nước nuôi trồng thủy hải sản
(Công ty Recotech); Bể ương nuôi thông minh và năng lượng xanh (Công ty Tomsaigon);
Hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ cao (Trung tâm Phát triển Công nghệ cao
- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, các
tổ chức, doanh nghiệp cũng đã trưng bày một số sản phẩm KH&CN, thiết bị ứng
dụng công nghệ 4.0 như thiết bị giám sát môi trường nuôi thủy sản tự động, hệ
thống thông tin định vị và quản lý tàu cá, ứng dụng công nghệ 4.0 truy xuất
nguồn gốc thủy sản, hệ thống PCR di động phát hiện bệnh thủy sản tại ao nuôi,….
Lê
Trung Tâm